Vịnh Cam Ranh sẽ trở thành ‘thung lũng Silicon’ của Việt Nam?
Mới đây, Công viên Phần mềm quân đội đã có sáng kiến hợp tác với Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia để phát triển Tổ hợp Khởi nghiệp lưỡng dụng quốc gia, thí điểm đầu tiên tại Khánh Hòa.
Triển vọng của Khánh Hòa
Trong khuôn khổ chương trình Techfest vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2022, ông Phạm Hồng Quất, Cục Trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN (thuộc Bộ KH&CN) cho biết, thời gian tới, nước ta cần có những cơ chế để thu hút lực lượng tài năng trẻ Việt Nam ở nước ngoài về nước.
“Từ đó, những “kỳ lân” công nghệ trong tương lai của Việt Nam sẽ tăng. Hiện, những doanh nghiệp có định giá trên 100 triệu USD của chúng ta khá nhiều, trong đủ các lĩnh vực, đây chính là sự khởi đầu của một ngành kinh tế mới dựa trên trí tuệ, dựa trên tài năng trẻ”, ông Quất cho hay.
Vịnh Cam Ranh, vịnh Nha Trang có rất nhiều điểm tương đồng với Vịnh San Francisco (thung lũng Silicon của Hoa Kỳ). Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đầu tư rất nhiều tiền để các trung tâm hỗ trợ, các trường đại học nghiên cứu tạo ra vật liệu silicon và làm nên một cuộc cách mạng về máy tính.
Các bạn trẻ thích thú với robot được lập trình theo công nghệ AI tại quầy trưng bày Khu Công nghệ phần mềm thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM).
Sau đó, các nghiên cứu của quốc phòng được chuyển sang dân sự, rất nhiều mô hình kinh doanh đã được phát triển từ thung lũng Silicon khi vốn công nghệ của an ninh – quốc phòng được chuyển sang cho các “nhà đầu tư thiên thần” để biến thành các sản phẩm dân sinh.
“Trong đó có một tập đoàn bất động sản chuyển sang đầu tư công nghệ. Tôi có liên tưởng các tập đoàn như Sungroup, Vingroup, các tập đoàn này hiện cũng đang đầu tư vào Khánh Hòa và tạo nên một lợi thế rất đặc biệt. “Bộ não” của VinFast đang đặt ở Hòn Tre, chứ không phải nhà máy ở Hải Phòng vì chuyên gia quốc tế họ thích “khung trời, cửa biển” ở Khánh Hòa”, ông Quất cho hay.
Vịnh Cam Ranh là một vị trí chiến lược của quốc phòng – an ninh, Bộ Quốc phòng đang đầu tư rất nhiều vào khu vực này, vì vậy ông Quất kỳ vọng các tập đoàn cũng sẽ đầu tư vào khu vực này và sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho một nền kinh tế sáng tạo mới.
Mới đây, Công viên Phần mềm quân đội đã có sáng kiến hợp tác với Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia để phát triển Tổ hợp Khởi nghiệp lưỡng dụng quốc gia, thí điểm đầu tiên tại Khánh Hòa.
(Các doanh nghiệp đã giới thiệu nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới tại chương trình Techfest Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 2022).
“Vì không gian của Công viên Phần mềm quân đội đã được Bộ Quốc phòng đầu tư và con người ở đó rất tuyệt vời. Bây giờ đưa thêm chuyên gia, cố vấn, mạng lưới các làng công nghệ vào thì có thể đây là điểm xuất phát đầu tiên để chúng ta xuất hiện một tổ hợp tương tự như thung lũng silicon ở San Francisco”, ông Quất kỳ vọng.
Thúc đẩy công nghệ, khai thác kinh tế biển
Theo ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, không gian biển, kinh tế biển trở thành một lợi thế vượt trội của khu vực Nam Trung Bộ nói chung và Khánh Hòa nói riêng.
Khánh Hòa đang định hướng phát triển không gian kinh tế biển và phát triển kinh tế biển bền vững theo tinh thần Nghị quyết 36 của Trung ương năm 2018, cũng như Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đối với tỉnh Khánh Hòa, trong đó, phát triển địa phương đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên nền tảng của phát triển xanh và bền vững.
Với nhiều kỳ vọng, Khánh Hòa cũng đã được gợi mở để chuyển dịch từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế xanh dựa trên các thế mạnh khai thác thủy hải sản, cảng biển với logistic, du lịch…
(Không gian biển, kinh tế biển trở thành một lợi thế vượt trội của khu vực Nam Trung Bộ nói chung và Khánh Hòa nói riêng.)
Ở Việt Nam, trên đất liền có hàng ngàn doanh nghiệp công ty, tập đoàn lớn; nhưng trên biển, các tập đoàn, công ty chuyên về kinh tế biển và đóng vai trò dẫn dắt chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Muốn phát triển kinh tế biển hiệu quả phải nhìn ra xa hơn, xuống sâu hơn và đây là không gian hết sức quan trọng của kinh tế biển. Tuy nhiên, muốn ra xa, xuống sâu, phải có công nghệ. Chúng ta đi thuyền thúng ra đó thì không thể nói rằng chúng ta mạnh về biển được”, ông Hồi chia sẻ.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, muốn có đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển kinh tế biển phải dựa trên nền tảng khoa học công nghệ; nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng và đầu tư vào kinh tế biển hiệu quả.
Vì vậy, cần phải có sự thay đổi, trong đó Nghị quyết 09 đã gợi ý, cho phép Khánh Hòa thời gian tới thành lập Trung tâm nghiên cứu Quốc gia về công nghệ đại dương.
Đây là trung tâm mà Trung ương Đảng kỳ vọng sẽ là bước đột phá về thể chế, cơ chế chính sách và chức năng nhiệm vụ. Đây là trung tâm gắn với đổi mới sáng tạo để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu mới những công nghệ về đại dương, giải quyết các thách thức và phục vụ cho các lĩnh vực kinh tế biển.
“Muốn là chủ các công nghệ này trong tương lai, chúng ta phải bắt đầu ngay từ hôm nay. Ai kiểm soát được không gian ngầm dưới đáy biển sẽ làm chủ được kinh tế biển, sẽ khai thác được kinh tế biển một cách hiệu quả”, ông Hồi chia sẻ thêm.
Nguồn: https://nhadautu.vn/